Truyền thống văn hóa
Ngay từ khi giặc Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ (giữa thế kỷ XIX), nhân dân ở đây đã anh dũng tiến hành các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm. Gần gũi và ảnh hưởng trực tiếp nhất với địa bàn Tân Phước Tây là các cuộc khởi nghĩa của Trương Định và Nguyễn Trung Trực.
Trong trận đốt tàu L’Espérence trên Vàm Nhựt Tảo ngày 10 tháng 12 năm 1861 đã có nhiều thanh niên trai tráng thôn Tân Phước Tây tham gia hàng ngũ nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Sau thất bại này, để trả thù giặc Pháp đã đốt cháy toàn bộ nhà dân dọc bờ sông Vàm Cỏ Đông (Nhựt Tảo, Bình Trinh Đông, Tân Phước Tây, Nhựt Ninh). Hành động đó càng khơi dậy lòng yêu nước và ý chí căm thù quân xâm lược của nhân dân trong vùng.
Ở xóm Bần Cao (nay là ấp 5) có ngôi mã hộc, tương truyền là nơi chôn cất các nghĩa sĩ hy sinh trong trận Cần Giuộc ngày 16 tháng 12 năm 1861. Số nghĩa sĩ hy sinh trên 50 người được chôn chung vào một cái hộc tại khu vườn cụ Nguyễn Duy Toản (cháu nội bần sĩ họ Cao), cụ Nguyễn Duy Toản là người khá giả, yêu nước, trượng nghĩa. Cụ thường hay giúp đỡ tiền bạc, lương thực giúp nghĩa quân Trương Định. Dấu vết ngôi mã hộc còn lại là một gò đất trong khu nhà ông Nguyễn Duy Danh (cháu cụ Nguyễn Duy Toản).
Sang thế kỷ XX, phong trào chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ diễn ra dưới hình thức khác đó là tổ chức Thiên Địa Hội. Tổ chức này du nhập bởi những Hoa Kiều chạy vào nước ta trong phong trào phản Thanh , phục Minh. Tổ chức Thiên Địa Hội có ảnh hưởng sâu rộng đến các làng của vùng đất Tân Trụ mà phần lớn họ là nông dân, động cơ tham gia Thiên Địa Hội của họ xuất phát từ tình cảm yêu nước, từ lòng căm thù kẻ thống trị và các thế lực áp bức khác. Khi hội kín Phan Xích Long ra đời, ở Tân Phước Tây có một số thanh niên tham gia. Trong đó có nhóm của ông Mười Phòng, Tham Nương, Năm Sơn, Đào Ly Của... khoảng 20 người. Những người này thường tập hợp tại nhà ông Tham Nương luyện tập võ nghệ. Do chính quyền lúc đó không cho phép tụ tập đông người, nên nhóm thanh niên Thiên Địa Hội ở thôn Tân Phước Tây bị thôn Thậm cùng hương quản đến giải tán nhiều lần. Sẵn căm ghét sự áp bức của hội tề, nhóm Thiên Địa Hội Tân Phước Tây do ông Mười Phòng cầm đầu lên kế hoạch bao nhà giết thôn Thậm, nhưng kế hoạch không thành, thôn Thậm tổ chức mai phục sẵn trong nhà đánh trả. Nhóm Thiên Địa Hội bỏ chạy, nhờ có ghe đáy bên Tân Trạch chèo qua cứu thoát. Sau trận này nhóm Thiên Địa Hội ở Tân Phước Tây tan rã, các thành viên bị truy lùng phải bỏ xứ ra đi.
-Từ sau sự kiện này khoảng năm 1920 giặc Pháp cho lập hai cái trạm gác cạnh vuông vứt 8m x8m lúc đó gọi là phần hờ (một ở bến đò Xã Bảy-Nhựt Ninh, một ở bến đò Bến Bạ Tân Phước Tây). Giặc Pháp giao bọn tề bắt thanh niên, trai tráng, luân phiên canh gác, kiểm tra người lạ mặt. Đến năm 1945, Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân đã nổi dậy đốt rụi hai cái phần hờ này.
Đối với ông Mười Phòng sau trận giết hụt thôn Thậm, ông bỏ đi đâu không rõ, mãi đến ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23/11/1940) ở bến đò Bến Bạ, người ta thấy có một lá cờ đỏ búa liềm treo trên ngọn cây cao. Nhân dân ở đây nói chính ông Mười Phòng là người treo cờ Đảng ở Bến Bạ. Khoảng 09 giờ sáng ngày hôm đó, hương quản Tươi dẫn tuần đinh gỡ lá cờ đem về dựng vào cây mãng cầu bên hông trụ sở hội tề làng Tân Phước Tây (cất cạnh Đình) chờ Cai Búp xuống làm biên bản gửi về quận Thủ Thừa.
Sự kiện trên như cách gọi lúc đó là “Cộng sản treo cờ” là chuyện “quốc sự” lớn lao thu hút sự quan tâm nhân dân trong Xã. Như vậy ông Mười Phòng đích thị là Cộng Sản, nhưng tới nay chưa có tài liệu nào nói rõ về ông.
Đó là những sự kiện của các phong trào yêu nước chống ngoại xăm có quan hệ đến vùng đất Tân Phước Tây mặc dù còn nhỏ lẻ, sớm bị giặc thù đàn áp dập tắt, nhưng nó đã kích thích mạnh mẽ tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân Tân Phước Tây. Đây là nhân tố quan trọng đưa nhân dân Tân Phước Tây đến với Đảng và chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.